Nghiên cứu cho thấy 75% mọi người cho biết rằng họ sẽ can thiệp sau khi được đào tạo về can thiệp dành cho người ngoài cuộc
Ngày 31 tháng 5 năm 2022 (New York, NY) — tổ chức AARP, tổ chức Right To Be (trước đây gọi là Hollaback!), và tổ chức Asian Americans Advancing Justice – AAJC đã chung sức để tạo ra một loạt các video hoạt hoạ nhằm giới thiệu các biện pháp can thiệp dành cho người ngoài cuộc (cách nhận diện hành vi quấy rối và biện pháp can thiệp an toàn) cho nhiều đối tượng hơn trong Tháng Di Sản Người Mỹ Gốc Á, Người Hawaii Bản Địa và Người Dân Đảo Thái Bình Dương này. Các dữ liệu mới cho thấy sau khi tham dự chương trình đào tạo của Right To Be, 75% những người chứng kiến hành vi quấy rối cho biết họ đã có thể thực sự can thiệp.
Trong hai năm vừa qua, người Mỹ gốc Á đã trở thành nạn nhân của những cuộc tấn công kinh hoàng và các cuộc công kích bằng lời nói. Chính vì lẽ đó, nhu cầu về chương trình đào tạo can thiệp dành cho người ngoài cuộc ngày càng trở nên cấp thiết hơn. FBI đã báo cáo rằng trong năm 2020, số vụ phạm tội do thù ghét có căn nguyên từ thành kiến chống người gốc Á đã tăng 76% so với năm 2019. Các video hoạt hoạ giới thiệu “5Ds of Bystander Intervention” (5 chữ D Trong Việc Can Thiệp Dành Cho Người Ngoài Cuộc) của tổ chức Right To Be mang đến cho mọi người những bước hành động nhằm giải quyết các hình thức quấy rối khác nhau.
“Khi tổ chức Asian Americans Advancing Justice – AAJC (Advancing Justice – AAJC) bắt đầu nhận thấy sự thù ghét và quấy rối hướng đến người Mỹ gốc Á gia tăng vào đầu đại dịch COVID-19, chúng tôi đã hợp tác với Right To Be để điều chỉnh chương trình đào tạo can thiệp dành cho người ngoài cuộc của họ để giải quyết sự thù ghét và quấy rối chống lại người châu Á,” Marita Etcubañez, Giám Đốc Sáng Kiến Chiến Lược Cấp Cao của Advancing Justice – AAJC cho biết. “Kể từ khi triển khai chương trình đào tạo vào tháng 4 năm 2020, Right To Be và Advancing Justice – AAJC đã tiếp cận và đào tạo cho hơn 120,000 người.”
Phương pháp luận của Right To Be bao gồm năm biện pháp can thiệp dành cho người ngoài cuộc. Mỗi video hoạt hoạ mô tả một trong năm biện pháp, đều đã được Right To Be xây dựng và thử nghiệm trong hơn một thập kỷ qua, thông qua những buổi đào tạo của tổ chức đã giúp hàng trăm nghìn người Mỹ tìm được câu trả lời cho câu hỏi “Tôi nên làm gì?”
“Chúng ta có thể chứng kiến nhiều hình thức quấy rối, từ những phân biệt chủng tộc ngầm trong cuộc sống hàng ngày cho đến sự phân biệt đối xử giới tính tại nơi làm việc. Thường thì chúng ta rất muốn cải thiện tình hình nhưng không biết phải làm thế nào,” Emily May, Đồng Sáng Lập và Giám Đốc Điều Hành của Right To Be cho biết. “Loạt phim hoạt hoạ này minh hoạ những cách xử lý tốt nhất hành vi quấy rối khi là người ngoài cuộc. Mục tiêu của chúng tôi là đưa người ngoài cuộc thành đồng minh!”
Cũng như trường hợp của rất nhiều người da màu, những người Mỹ gốc Á đang cảm thấy bất an và sống trong sợ hãi. Các đối tác của chúng tôi đã rất vui mừng khi thấy sự hỗ trợ được lan rộng khi hơn một trăm nghìn người đã đăng ký tham gia các buổi đào tạo can thiệp cho người ngoài cuộc, và giờ đây với những video mới này, các tổ chức đối tác đang nóng lòng muốn được tiếp cận với nhiều người hơn nữa thông qua phương tiện này.
“Trong báo cáo của tôi về các vụ thù ghét và tấn công chống người gốc Á so với các vụ việc xảy ra với các cộng đồng người gốc Phi, người La-tinh và cộng đồng LGBTQIA+ trong hơn mười năm vừa qua, tôi đã thấy được những người ngoài cuộc muốn giúp đỡ nhưng không biết làm thế nào,” trích lời của Richard Lui, một phát thanh viên của NBC News/MSNBC đã tình nguyện thay mặt cho Asian American Journalists Association (Hiệp Hội Nhà Báo Người Mỹ Gốc Á) làm đạo diễn cho loạt video. “Giờ đây, nhu cầu trang bị kiến thức giúp mọi người can thiệp một cách an toàn và giảm leo thang tình huống cao hơn bao giờ hết.”
Năm video được dựa trên chiến lược 5D trong việc can thiệp dành cho người ngoài cuộc do Right To Be phát triển:
- Distract (Làm phân tâm): Tạo ra sự phân tâm để giảm leo thang tình huống;
- Delegate (Uỷ quyền): Tìm ai đó để hỗ trợ;
- Document (Ghi nhận): Ghi nhận về sự việc và sau đó chuyển đến cho người bị quấy rối;
- Delay (Trì hoãn): Thực hiện kiểm tra tình trạng của người bị quấy rối;
- Direct (Hướng dẫn): Thiết lập một ranh giới với người đang có hành vi quấy rối, sau đó hướng sự chú ý của quý vị đến người đang bị quấy rối.
“Với các video hoạt hoạ này, chúng tôi nhắm đến việc thể hiện sự đa dạng về con người và địa điểm, để người xem có thể thấy được chính họ là những người ngoài cuộc đang can thiệp vào,” Alex Lo, người sản xuất loạt phim cho biết.
Đội ngũ thực hiện đang tích cực thảo luận để trình chiếu các video hoạt hoạ này tại các rạp phim AMC trên khắp cả nước trước khi chiếu phim và trên các nền tảng Comcast NBCUniversal theo dạng thông báo dịch vụ công cộng.
Nhà làm phim hoạt hoạ kỳ cựu Davy Liu (phim Giai Nhân và Quái Vật, Mulan của Disney và nhiều phim khác) đã dẫn dắt một nhóm gồm ba nhà làm phim hoạt hoạ và nhà soạn nhạc danh giá Zev Burrows viết nhạc gốc cho loạt video năm tập này. Các nhân vật đại diện cho từng nhóm người thiểu số chính (người gốc Á, gốc Phi, La-tinh, và người Mỹ da trắng) và các khu vực trên cả nước (Bắc, Nam, Đông, Tây và các Đảo Thái Bình Dương). Các video được trình chiếu với tiếng Quan Thoại, tiếng Quảng Đông, tiếng Thái, tiếng Hindu, tiếng Hàn Quốc, tiếng Việt, tiếng Tagalog cũng như tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha.
“Việc cung cấp các tài liệu đào tạo nhiều ngôn ngữ cho chương trình đào tạo can thiệp dành cho người ngoài cuộc rất quan trọng này sẽ đặc biệt giúp ích cho những người lớn tuổi dễ bị tổn thương và những người có khả năng nói tiếng Anh hạn chế,” Daphne Kwok, PCT, Phó Chủ Tịch về Sự Đa Dạng Công Bằng & Hội Nhập tại AARP bổ sung ý kiến.
Vào đầu năm vừa qua, một đoạn mô tả ngắn về 5D xuất hiện trong một thông báo dịch vụ công cộng được hợp tác sản xuất với Advancing Justice – LA, được diễn viên Ken Jeong thuật lại, và được hoạ sĩ từng đoạt giải thưởng James Yang sản xuất hoạt hoạ. Các video mới này cùng với thông báo dịch vụ công cộng là một phần cốt lõi trong mối quan hệ hợp tác giữa Right To Be và tổ chức Asian Americans Advancing Justice. Sự hợp tác này đang được phát triển trên toàn quốc nhằm mở rộng phạm vi của chương trình đào tạo can thiệp dành cho người ngoài cuộc. Để biết thêm thông tin, bao gồm cách đăng ký tham gia các buổi đào tạo can thiệp dành cho người ngoài cuộc miễn phí cho công chúng, do Right To Be and Advancing Justice – AAJC dẫn dắt, hãy truy cập https://righttobe.org/trainings/bystander-intervention-to-addess-antiasian-harassment/